Xây dựng quốc gia, thống nhất phương bắc Hậu Triệu

Xây dựng quốc gia

Thạch Lặc tuy xuất thân vô học, không biết chữ nhưng rất coi trọng việc giáo dục. Ông trọng dụng nhiều nhân sĩ người Hán, dùng các nho sinh giảng bài đọc sách cho mình. Bên ngoài, Thạch Lặc khuyến khích học tập, thưởng lụa cho người học giỏi.

Thạch Lặc khuyến khích việc đồng áng, bỏ bớt luật phức tạp và nghiêm khắc của nhà Tấn, ban luật giản đơn hơn[1]. Nhiều quan lại thanh liêm, đức độ được Thạch Lặc trọng dụng và do đó thu phục được lòng dân[1]. Nước Hậu Triệu trở nên giàu mạnh.

Mở rộng lãnh thổ, tiêu diệt Tiền Triệu

Tình hình phương bắc sau khi Thạch Lặc và Lưu Diệu lên ngôi vẫn rất rối ren. Ngoài hai nước Triệu còn có Tào Nghi ở Tề - Lỗ, Nam Dương Vương Tư Mã Bảo nhà Tấn ở Thượng Khuê, Trương Mậu nước Tiền Lương phía Tây của Tiền Triệu; Dương Nan Địch ở Vũ Đô[2]. Khi Thạch Lặc giết Vương Tuấn và rút về Tương Quốc thì Đoàn Thất Đạn chiếm U châu, tướng Thiều Tục nhà Tấn chiếm giữ Ký châu chống Ngũ Hồ.

Năm 319, Thạch Lặc sai Khổng Tràng mang quân đánh họ Đoàn. Đoàn Thất Đạn thua chạy sang Ký châu với Thiều Tục. Năm 320, Thạch Lặc tấn công Ký châu, chia quân cho Thạch Hổ tấn công thành Khánh Thứ. Quân Thiều - Đoàn chia nhau ra địch bị thua to, phải rút vào thành cố thủ.

Năm 321, Thạch Hổ hạ thành Khánh Thứ, bắt sống tướng Đoàn Văn Ương, Ký châu nguy cấp. Đoàn Thất Đạn định phá vây chạy sang hàng Đông Tấn nhưng em Thiều Tục là Thiều Lệ muốn hàng Hậu Triệu nên bắt Thất Đạn, mở cửa thành đầu hàng. Thạch Lặc vào thành giết chết anh em Thiều Tục và Đoàn Thất Đạn. Từ lúc đó các châu U, Tinh, Ký phía bắc mới hoàn toàn thuộc về Hậu Triệu.

Sau khi Tổ Địch chết (321), Hậu Triệu cũng không còn phải đương đầu với lực lượng bắc phạt hùng mạnh của Đông Tấn. Năm 322, Thạch Lặc ra quân đánh hạ quận Thái Sơn (Sơn Đông), thứ sử Duyện châu của Đông Tấn là Hy Giám rút về Hợp Phì; em Tổ Địch là Tổ Ước ở Dự châu cũng bỏ thành chạy về Thọ Xuân.

Năm 323, Hậu Triệu tấn công Bành Thành[3], Hạ Phì[4]. Thứ sử Từ châu nhà Tấn là Biện Đôn bỏ chạy về Vu Thai. Tới năm 325, Hậu Triệu chiếm nốt các thành trì phía bắc sông Hoài của nhà Tấn. Từ đó, Hậu Triệu và Đông Tấn lấy sông Hoài làm ranh giới.

Ở phía đông, Thạch Hổ được sai lo đánh Tào Nghi. Năm 323, Thạch Hổ vây đánh Tào Nghi ở Quảng Cố[5]. Tào Nghi không chống nổi phải đầu hàng, nhưng sau đó vẫn bị giết.

Cả vùng rộng lớn phía đông, từ Hoài Bắc trở lên thuộc về Hậu Triệu; chỉ còn họ Mộ Dung người Tiên Ty ở Liêu Đông và tàn dư họ Đoàn, họ Vũ Văn ở phía đông Liêu Đông.

Trong khi đó, Lưu Diệu cũng mang quân chinh phạt các thế lực cát cứ phía tây. Năm 320, Lưu Diệu ra quân diệt lực lượng của Tư Mã Bảo và thủ hạ của Bảo là Trần An ở Thượng Khuê; Trương Mậu ở Lương và Dương Nan Địch xưng thần.

Năm 328, chiến tranh giữa hai nước Triệu chính thức nổ ra. Thạch Lặc sai Thạch Hổ mang quân tấn công Bồ Bản. Lưu Diệu tự mang quân đi đánh, đại phá quân Hậu Triệu ở Cao Hầu[6].

Nhân đà thắng, Diệu mang quân tấn công Lạc Dương của Hậu Triệu. Thạch Lặc đích thân đi cứu, qua bến Diên Tân tới cửa Thành Cao[7], tập kết toàn quân. Lưu Diệu vây đánh Lạc Dương 4 tháng không hạ được đã mệt mỏi, lại hay rượu nên lúc quân Hậu Triệu tấn công, Lưu Diệu không chống nổi, bị ngã ngựa và bị bắt. Thạch Lặc giết chết Diệu.

Năm 329, Thạch Lặc sai Thạch Sinh tấn công chiếm được Trường An. Tháng 9 năm đó, quân Hậu Triệu công hạ thành cuối cùng của Tiền Triệu là Thượng Khuê, chính thức tiêu diệt Tiền Triệu.